Part 1: BIM with infrastructure design consulting companies

BIM là gì? Lợi ích?

Khái niệm mô hình thông tin công trình (BIM) đã xuất hiện trên thế giới ít nhất 30 năm nay và là một trong các thể hiện rõ nét nhất của việc ứng dụng CNTT trong ngành xây dựng.

Ý tưởng chủ đạo của BIM là toàn bộ thông tin/dữ liệu liên quan đến tất cả các phân hệ (bộ môn) của công trình trong toàn bộ vòng đời của nó được tổ chức thu thập, lưu trữ và khai thác thông qua một mô hình thông tin thống nhất, tất các cả bản vẽ kỹ thuật, báo cáo, báo biểu phải được kết xuất từ mô hình thông tin chung đó.

Khi một yếu tố nào đó trong mô hình được thay đổi, tất cả các bản vẽ, bảng biểu phải được tự động cập nhật theo. Thuật ngữ BIM đôi khi còn được hiểu là mô hình hóa thông tin công trình (Building Information Modeling) nhằm nhấn mạnh đến tính quy trình, tính tương tác và trao đổi thông tin của các chủ thể trong ngành xây dựng.

Hiểu một cách đơn giản mô hình thông tin công trình gắn kết toàn bộ dữ liệu liên quan với một mô hình cấu tạo 3D, trong đó mỗi cấu kiện được thể hiện như một đối tượng tham số thông minh (Intelligent Parametric Object) nghĩa là vị trí, kích thước hình học của đối tượng được điều chỉnh thông qua các tham số (parametric) và các đối tượng “biết” được quan hệ của chúng với các đối tượng khác (Intelligent). Tùy theo tính chất của các thông tin được gắn vào công trình mà người ta nói tới BIM 4D, 5D, 6D hay hơn nữa. Phổ biến nhất là khái niệm BIM 5D (3D không gian+Tiến độ + Dự toán, thường dùng cho giai đoạn thiết kế, thi công) và BIM 6D (Thêm các thông tin về quá trình sử dụng, duy tu bảo dưỡng công trình). Đối với lĩnh vực tư vấn thiết kế hạ tầng, một mô hình BIM phải bao gồm các đối tượng đường, cầu, cống, cọc tiêu, biển báo, vạch phân làn, hộ lan, giá long môn, các loại đường ống kỹ thuật… Tất cả bản vẽ trong đồ án thiết kế phải được xuất ra từ mô hình chung và khi thay đổi một yếu tố, chẳng hạn tim tuyến hay đường đỏ thì tất cả các đối tượng nêu trên phải được tự cập nhật lại vị trí, kích thước và các bản vẽ trắc dọc, trắc ngang cũng vậy. Nếu mô hình thông tin công trình hạ tầng được tích hợp thêm dự toán, tiến độ thi công thì ta có mô hình 5D. Khi đó khi thay đổi đường đỏ chẳng hạn, bảng khối lượng đào đắp và dự toán cũng sẽ phải được cập nhật một cách tự động.

Dù hiểu theo cách nào thì việc tích hợp toàn bộ thông tin công trình trong một mô hình thống nhất cũng đem lại nhiều lợi ích to lớn cho tất cả các chủ thể liên quan đến công trình xây dựng như chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn và cả các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các công ty tư vấn thiết kế hạ tầng, BIM chắc chắn sẽ giúp nâng cao đáng kể năng suất và chất lượng công tác thiết kế, giúp loại bỏ các xung đột giữa các bộ môn, giảm hẳn thời gian chỉnh sửa các bản vẽ thiết kế. Ngoài ra do bản chất của BIM là bao gồm một mô hình 3D nên việc trình bày đồ án thiết kế cho chủ đầu tư và các cấp ra quyết định trở nên ấn tượng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Tình hình thế giới và trong nước

Do các lợi ích to lớn của BIM mà các nước tiên tiến đều đang đẩy mạnh việc ứng dụng BIM với kỳ vọng nâng cao đáng kể hiệu suất của ngành xây dựng. Một số nước tiên phong về BIM như Hoa Kỳ, Phần Lan, UK, Singapore… thậm chí đã luật hóa việc áp dụng BIM cho các công trình xây dựng của mình. Tóm lại xu hướng chuyển từ CAD sang BIM đang là xu hướng rất sôi động trong ngành xây dựng trên thế giới. Tình hình hiện nay rất giống với thời kỳ chuyển từ thiết kế bằng tay sang thiết kế bằng CAD trước đây 30 năm.

Tại Việt nam nhiều nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, kỹ sư cũng đã tiếp cận rất nhanh với xu hướng chung của thế giới. Một số công ty tiên phong như VNCC, Coteccons, Hòa Bình, Xuân Mai… trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp. Không chỉ giới hạn trong giới kiến trúc sư hay các kỹ sư xây dựng dân dụng, công nghiệp, các công ty như VTCO, Tedi (Cả Bắc và Nam), An Phúc… trong lĩnh vực hạ tầng cũng đã bắt đầu triển khai BIM và bước đầu mang lại hiệu quả. Rất nhiều công ty khác cũng đang nghiên cứu nghiêm túc về BIM và xây dựng lộ trình ứng dụng công nghệ mới này.

Một điều đáng mừng đối với Việt nam là các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Xây dựng, cũng đã nhanh chóng nhận thấy các lợi ích mà BIM hứa hẹn mang lại và mặc dù chưa phải là một quốc gia phát triển cao nhưng việc ứng dụng BIM đã và đang được pháp lý hóa nhanh chóng. Cụ thể “Luật Xây dựng sửa đổi 2014” ban hành ngày 18-6-2014, tại điều 4 và điều 66 đã yêu cầu phải áp dụng “Mô hình thông tin công trình” trong toàn bộ vòng đời của dự án xây dựng. Nghị Định 32/2015/NÐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng đã cụ thể hóa việc tính toán chi phí làm BIM trong giá thành công trình. Ngoài ra “Lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế, xây dựng và quản lý công trình xây dựng” cũng đang được gấp rút soạn thảo. Về lĩnh vực hạ tầng, cụ thể là đường bộ, Bộ GTVT, Sở GTVT TP HCM cũng đã tổ chức một số hội thảo về BIM đồng thời làm việc với tư vấn quốc tế (Phần lan) để tiến hành thí điểm áp dụng BIM cho các công trình cầu đường bộ.

Kết luận

Như vậy có thể thấy công nghệ BIM sẽ nhanh chóng trở thành công nghệ phổ biến ở Việt nam thay thế cho công nghệ CAD truyền thống và các công ty đi tiên phong theo hướng này sẽ nâng cao được khả năng cạnh tranh một cách đáng kể. Ngoài ra nếu làm chủ công nghệ BIM các doanh nghiệp tư vấn thiết kế có thể nghĩ đến việc gia công thiết kế cho thị trường thế giới hoặc cao hơn nữa là hợp tác để tham gia các dự án quốc tế. Tóm lại BIM là một xu hướng công nghệ tiên tiến, sẽ nhanh chóng thâm nhập vào Việt nam và việc sớm làm chủ công nghệ này có ý nghĩa đặc biệt đối với việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty tư vấn thiết kế hạ tầng nói riêng và các nhà thầu xây dựng nói chung.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *