Những vấn đề cốt lõi của Chuyển đổi số – Phần 2
Thể chế: Hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định chế nội bộ
Thể chế là toàn bộ những quy định pháp luật của một chế độ xã hội, cho ta các quyền được làm, được bảo vệ cũng như cần tuân thủ. Hành lang pháp lý là tập hợp các quy định pháp luật trong một lĩnh vực, một chuyên ngành. Ngoài những quy định pháp luật nói chung ai cũng cần theo, mỗi tổ chức cần nắm chắc và tuân thủ hành lang pháp lý, những tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, cũng như có những định chế nội bộ của mình.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi cách sống và cách làm việc trên môi trường thực-số. Sự thay đổi dẫn đến cái mới. Những thay đổi ấy và những cái mới ấy có tuân theo và phù hợp với hành lang pháp lý hay không là một câu hỏi, nhưng câu hỏi quan trọng hơn là thể chế và hành lang pháp lý hiện nay có phù hợp cho những thay đổi của toàn xã hội trên môi trường thực-số hay không?
Điều dễ thấy là phần lớn thậm chí hầu hết các quy định pháp luật đang có hiện nay đã được xây dựng từ trước khi có môi trường thực-số. Do đặc điểm này, trong khi chính thể chế đang được tiếp tục hoàn thiện, rất nhiều vấn đề cấp bách về thể chế đang thách thức chuyển đổi số. Có thể nói nếu không có một thể chế phù hợp cho môi trường số, chuyển đổi số sẽ không thể thành công.
Với chuyển đổi số của mỗi tổ chức, ba nội dung chính của thế chế là:
1) Hành lang pháp lý
– Do tiến trình chuyển đổi số nhanh chóng của cả quốc gia, hành lang pháp lý đang mở ra nhanh chóng, cần liên tục cập nhật và theo dõi để vận dụng.
– Trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp lý đã được ban hành tạo điều kiện ứng dụng và phát triển CNTT trong các lĩnh vực. Cụ thể như Luật CNTT, Luật An toàn thông tin mang, Luật An ninh mạng, các Nghi định…
– Ðối với những vấn đề mới cần đề xuất với cấp trên các cơ chế thí điểm (sandbox).
2) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
– Các sản phẩm mới, dịch vụ mới trong môi trường thực-số đòi hỏi cập nhật, bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật liên quan. Chẳng hạn trường học thông minh, tòa nhà thông minh, đô thị thông minh sẽ đòi hỏi các hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan được xây dựng mới.
– Trong quy trình vận hành, ngoài các tương tác truyền thống tổ chức còn cần bổ sung thêm các tương tác trên môi trường thực-số. Để đảm bảo tính kết nối, tính liên thông về mặt dữ liệu trong môi trường như vây các tổ chức cần xây dựng hệ thống định danh, định vị, từ điển dữ liệu… và các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ số liên quan.
– Hê thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có nhiều mức từ quốc tế, quốc gia, ngành đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật nội bộ của tổ chức. Trong quá trình chuyển đổi số mỗi tổ chức cần lựa chọn tuân thủ các tiêu chuẩn chung và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nội bộ của mình.
3) Định chế nội bộ
– Các quy định, mẫu biểu quản lý, các quy trình hoạt động nội bộ cần chủ động thay đổi để dẫn dắt chuyển đổi số, tối thiểu phải đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số. Số hóa các form, biểu, quy trình để tự động hóa việc tuân thủ các định chế.
– Khi chuyển đổi số, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các bộ phận cần thay đổi cho phù hợp với mô hình hoat động mới.
– Cần hoàn chỉnh theo định hướng chuyển đổi số các định chế nội bộ chưa hoàn chỉnh, những vấn đề bất cập hiện có.
– Cần có cơ chế linh hoạt liên tục hoàn thiện các định chế nội bộ cho phù hợp với sự thay đổi của mỗi trường pháp lý bên ngoài và tiến trình chuyển đổi số bên trong.
Việc xây dựng môi trường pháp lý hiện nay vẫn rất chậm, chưa theo kịp nhu cầu phát sinh của xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện chuyển đổi số. Chúng ta cần nhanh chóng xây dựng pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, tài sản số; xây dựng pháp luật chống tin giả mạo, lừa đảo, sai pháp luật trên mạng, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nền tảng phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện, gỡ bỏ trước các loại hình thông tin này; xây dựng pháp luật liên quan đến quyền, đạo đức xã hội khi sử dụng AI, hệ thống ra quyết định tự động hay robots…