Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, với những đột phá của các công nghệ số trên môi trường số, mở ra những cơ hội số của sản xuất thông minh và một xã hội thông minh, mở ra những thay đổi sâu sắc cho xã hội loài người.
Tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình hướng đến xây dựng Việt Nam thành một quốc gia số lấy người dân là trung tâm với ba mục tiêu: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, các địa phương nhanh chóng xây dựng chiến lược và chương trình chuyển đổi số (CĐS) của mình và khuyến khích các doanh nghiệp tích cực thực hiện CĐS.
Chuyển đổi số là cốt lõi của phát triển trong kỷ nguyên số, là cơ hội có một không hai để Việt Nam có thể vượt lên trong một vài thập kỷ tới. Và ngành Xây dựng nói chung cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi mới này, thậm chí còn có thể đóng vai trò quan trọng.
Nhưng CĐS là câu chuyện mới không đơn giản. Nhận thức về CĐS là thách thức, là cánh cửa đầu tiên cần mở được để bước vào giai đoạn sống còn này của đất nước. Các khái niệm và vấn đề của CĐS đều đang còn mới với hầu hết mọi người. Và nhiều vấn đề liên quan ứng dụng CNTT đang được triển khai trong ngành Xây dựng cũng liên quan quá trình CĐS. Làm thế nào để hiểu thấu đáo và thống nhất các quan niệm về CĐS, đặc biệt trong lĩnh vực Xây dựng là vấn đề đặc biệt được nhiều người quan tâm.
Trên tinh thần đó Hội Tin học Xây dựng Việt nam đã thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau, biên tập và cung cấp các khái niệm cơ bản nhất cho các Hội viên, các đối tượng quan tâm đến CĐS nói chung và trong ngành Xây dựng nói riêng và sẽ được trình bày lần lượt hàng tuần trên trang Web và fanpage của Hội THXD. Hy vọng các thông tin ngắn gọn này sẽ giúp mọi người có cách hiểu thấu đáo về CĐS và gián tiếp thực hiện quá trình CĐS tại đơn vị, địa phương mình một cách thành công.
Xin cảm ơn các chuyên gia của Viện Khoa học công nghệ Vinasa đã hỗ trợ rất nhiều trong việc cung cấp các thông tin, tư liệu cần thiết để Hội THXD Việt nam có thể chuyển tải các kiến thức cơ bản về CĐS đến các Hội viên và người quan tâm trong ngành Xây dựng.
Bài 1: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì?
Có nhiều cách đặc trưng và mô tả các giai đoạn phát triển của xã hội loài người. Cách mạng công nghiệp là cách mô tả các giai đoạn phát triển, bắt đầu khi có các đột phá lớn về khoa học và công nghệ dẫn đến các thay đổi sâu sắc của kinh tế và xã hội.
Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là giai đoạn từ cuối thế kỷ 18 với phát minh của động cơ hơi nước và tạo ra sản xuất cơ khí.
Cách mạng công nghiệp lần thứ hai là giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 với sự xuất hiện của điện lực và tạo ra sản xuất hàng loạt.
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là giai đoạn từ những năm 1970 với sự xuất hiện của điện tử, máy tính, Internet và tạo ra sản xuất tự động.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư* được cho là bắt đầu từ thập kỷ này với các đột phá và cộng hưởng của các công nghệ số, đặc biệt là AI, và dẫn đến nền sản xuất thông minh.
Nói ngắn gọn thì “Ba cuộc cách mạng đã qua là cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá, là máy thay lao động chân tay, và cuộc cách mạng lần thứ tư là thông minh hoá, là máy thay lao động trí óc”.
Mấy năm qua ở Việt Nam đã nói nhiều về CMCN lần thứ tư, thậm chí nói nhiều hơn mức cần thiết trong khi có thể vẫn chưa thật rõ cần làm gì hay đi theo cuộc cách mạng ấy thế nào.
Điều cần ý thức là các cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra những thay đổi mang tính khách quan. Những tiến bộ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là các công nghệ số, đã nhẹ nhàng và tự nhiên len lỏi vào cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã thay đổi sản xuất và kinh doanh với các tiến bộ của công nghệ số. Và đây là điểm khởi đầu của câu chuyện chính yếu của thời điểm hiện tại, đã và đang diễn ra với tên gọi Chuyển đổi số.
* Ở nơi khác ngoài Việt Nam, người ta chỉ nói và viết “the fourth industrial revolution” (“CMCN lần thứ tư”) , và không nói “CMCN 4.0” như ở ta. Lâu nay chúng ta đã gọi các cuộc CMCN lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Năm 2012 nước Đức đưa ra tên “công nghiệp 4.0” (industry 4.0) để đặc trưng nền công nghiệp của riêng họ. Năm 2015 Diễn đàn kinh tế thế giới WEF nhận định có một cuộc CMCN mới, tức một giai đoạn phát triển mới của xã hội loài người, bắt đầu diễn ra, với tên “CMCN lần thứ tư” (the fourth industrial revolution). Cần phân biệt “công nghiệp 4.0” là nói riêng về công nghiệp, còn “CMCN lần thứ tư” là nói về một giai đoạn phát triển mới của loài người, cả kinh tế, văn hoá, xã hội, công nghiệp…. Vì thế nên dùng “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (viết tắt “CMCN4”) thay vì “cách mạng công nghiệp 4.0” (viết tắt CMCN4.0). Chú ý là các văn bản của Đảng và Chính phủ, như Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 16 hay Quyết định số 749/QĐ-TTg của Chính phủ, đều viết “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.